Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI

NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
Hàng năm, theo truyền thống, ngày 5 tháng 11, linh mục đoàn Gíao phận Phan thiết đến kính viếng Nghĩa trang Linh mục thuộc giáo xứ Vinh an, và dâng lễ cầu nguyện cho các ngài.
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ sự giờ kinh nguyện trước phần mộ các ngài. Đông đủ linh mục đoàn cùng các tu sĩ, thân nhân và bà con giáo dân hiệp thông tưởng niệm. Không gian tĩnh mịch, trầm lắng và thánh thiện. Cảnh vắng lặng của một thế giới an bình. Khói hương quyện bay trên các phần mộ. Nhớ về các linh mục đã khuất bóng.Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà soi vào trí nhớ gợi lại bao thân thương, bao trìu mến.
Từ nghĩa trang, đoàn rước tiến vào Nhà thờ hiệp dâng thánh lễ.
Đức cha Giuse nói đến ba dịp trong năm quy tụ linh mục đoàn đông đủ. Ngày thứ năm tuần thánh, linh mục đoàn hiệp nhất trong chức linh mục. Tĩnh tâm năm, hiệp hnất trong thinh lặng thánh, hiệp thông hội thảo mục vụ và tháng 11 ngày lễ cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Ngày lễ hôm nay biểu lộ đức tin sống động. Niềm tin vào sự sống đời đời, tin mầu nhiệm các thánh cùng thông công và tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Sau thánh lễ, Đức cha chia sẽ thông tin và thông báo các vấn đề mục vụ. Cơm trưa nghĩ ngơi, linh mục đoàn về Nhà thờ Thanh Xuân dâng lễ an táng bà cố Anna, mẹ Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu, thư ký TGM Phan thiết.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Giuse suy niệm Tin mừng Ga 17, 4-8, và ca ngợi công đức người mẹ của linh mục.
Ngày hôm nay, các linh mục trong giáo phận đã có một dịp tốt để thể hiện mầu nhiệm hiệp thông bằng thánh lễ ban sáng cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời. Buổi chiều có sự diện của hai Giám mục, gần trăm Linh mục, đông đảo Chủng sinh, Tu sĩ, tang quyến và cộng đoàn.
Tình thương hiệp thông ấy đem lại niềm an ủi cho tang quyến. Lời nguyện cầu của Chúa Giêsu trở thành lời hy vọng cho cộng đoàn tham dự thánh lễ chiều nay. “Con muốn rằng con ở đâu thì những kẻ thuộc về con cũng sẽ ở đó với con”. Bà cố Anna trong suốt hành trình dương thế đã chu toàn mọi phận vụ của người tín hữu. Bà đã dâng cho Chúa một thành viên ưu tú trong gia đình mình. Đây là chính là một đóng góp lớn cho giáo hội. Cùng với các linh mục đồng tế trong thánh lễ chiều nay như là một lời cảm ơn gởi đến bà cố Anna. Và cũng để nói lên niền vui, niềm an ủi cùng với gia đình là tất cả những đóng góp, những hy sinh trong cuộc sống cho giáo hội đều được Thiên Chúa đón nhận và chuẩn bị cho những bước đường tương lai hành hương về quê trời.
Khi nói về cái chết của mình Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói : Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. Cái chết như vậy có nghĩa là một sự hội ngộ khiến chúng ta đựoc quy tụ về với đấng đã sinh thành ra mình. Đây là một cuộc trở về nhà cha thật sự.
Bà Cố Anna đã ra đi, bà đã hoàn thành cuộc đời trong tuổi thọ đáng kính 93 tuổi. Cuộc sống đạo đức tốt lành của bà như là một sự dọn mình chết lành, luôn sẵn sàng, Chúa có thể gọi bất cứ lúc nào. Vì thế bà cố đã ra đi bình an thư thái. Bà chết trong Chúa như lời sách Khải huyền đã nói: ngay từ bây giờ, phùc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ(Kh 14,13).
Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.
Bà cố khởi đầu một hành trình mới về nhà cha. Nói theo ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn, bà cố đã bắt đầu một cõi đi về : vừa tàn mùa xuân rồi vào mùa hạ, rọi xuống trăm năm một cõi đi về. Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi không còn ở lại, còn tình yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hình bóng con người. Những người thân trong tang quyến, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của bà vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà.
Bà cố ra đi trong ơn nghĩa Chúa, trong niềm thương nhớ của gia đình, của giáo xứ.
Người Việt Nam sống chết đều gắn bó với quê hương, vì lá rụng về cội. Khi sinh ra cái nhau của ta được chôn nơi sân trong vườn nhà mình, có khi là dưới viên đá lát lối đi. Khi ta chết, ta cũng muốn được chết tại quê hương, được chôn cất trong đất của tổ tiên, đất Thánh. Quê hương là đất nước là nơi chôn nhau cắt rốn, vì vậy người Việt nam suốt đời gắn bó với quê hương, với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Thi sĩ Chế Lan Viên đã viết về mãnh đất quê hương ấy qua hai câu thơ ý nghĩa:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.
Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa bà ra đi về nhà Cha, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Chúng ta tin rằng bà cố đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa Quang Lâm. Và chúng ta có thể hát lên với Ông Gióp : tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế ,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.
Lễ cầu cho các linh mục đã qua đời và Lễ tang chiều nay cho mẹ một linh mục, như nối linh thiêng vào đời. Nụ cười người ra đi luôn nở trên môi. Lời nguyện cầu của cộng đoàn là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Đấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận và dẫn đưa con cái Chúa về dự tiệc vui muôn đời.
Tác giả: Nguyễn Hữu An, Lm.

Không có nhận xét nào: