Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Trên những nghĩa trang hài nhi (Kỳ 1)
















(Tin tuc) - Bà và những người tình nguyện đã xoa dịu vong hồn những sinh linh bé nhỏ không được chào đời.
Kỳ 1: Người đưa đò bến trần gian
Có những con người ở tuổi xế chiều vẫn ngày ngày tình nguyện đến các bệnh viện để xin thai nhi bị phá bỏ về chôn cất. Họ làm việc vô vị lợi với hy vọng giới trẻ, phụ huynh không vì ích kỷ bản thân mà ruồng rẫy những sinh linh vô tội. Việc làm của họ như một hồi chuông cảnh báo về lối sống buông thả của giới trẻ, sự băng hoại đạo đức trong xã hội và là lời cảnh báo về sự vô sinh thứ phát từ hậu quả phá thai.
Trên một ngọn đồi của đèo Giang Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), 1.000 ngôi mộ thai nhi được hình thành. Ít ai biết rằng chỉ trong hơn nửa tháng, bà ĐTY cùng chồng và những người tình nguyện đã mang từ các bệnh viện ở TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin về đây 100 thai nhi. Đây được xem như gia đình mới ấm êm của các cháu.
Còn rất nhiều người tốt hơn tôi
Tôi tìm đến nhà bà Y. giữa trưa tháng 3 trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Bà Y. được mọi người biết đến như một người chuyên làm việc thiện và hướng dẫn nhiều người khác cùng làm. Công việc trước kia của bà là đi thăm nuôi, chăm sóc bệnh nhân nghèo không có thân nhân đang nằm điều trị ở các bệnh viện. Chứng kiến những hoàn cảnh éo le, những thai nhi bị vứt lăn lóc, bà quyết định đi tìm, xin những thai nhi bị bỏ để mang về an táng. Tiếng lành của bà lan tỏa khắp vùng.
Con trai bà Y. cho biết mẹ mình đang xây mộ trên một ngọn đồi thuộc đèo Giang Sơn. Khi tôi tìm đến, trước mắt tôi gần 10 người đang trộn hồ xây mộ.
Bà Y., một phụ nữ trên 60 tuổi, nhỏ nhẹ, rụt rè khi kể về những công việc mình làm. Bà bảo còn rất nhiều người làm tốt hơn mình và công việc mình làm không cần xã hội thừa nhận nhưng cũng mong muốn xã hội đừng cản trở công việc tốt đẹp này. Việc xây mộ là các anh chị em cùng chí hướng chung tay, người một ít mua xi măng, gạch chứ cũng không đi xin ai, nhờ ai. Việc xây mộ cũng là để cho các cháu được nằm chung với nhau chứ các năm trước, khi xin thai nhi về, nơi nào cho phép thì chôn, bởi đất chật mà người đông, hơn nữa cũng không ai cho bà đất để làm cho các cháu một nghĩa địa đàng hoàng.
Bà kể mình làm việc này đã ba năm, không chỉ ở Đắk Lắk, bà còn ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An... để hướng dẫn các chị em (nguyên là người làm cà phê cho bà) trở về quê, đi xin thai nhi ở các cơ sở y tế mang về chôn cất. Hơn ba năm, bà cùng chồng và các anh chị em khác đã nhặt trên 500 thai nhi về xin chôn rải rác ở các nghĩa địa trong huyện Cư Kuin. Những năm trước, có ngày người ta cho bà bảy, tám thai nhi, còn bây giờ mỗi ngày một, hai thai nhi là chuyện bình thường. Bà nói đi kèm mỗi thai nhi là một câu chuyện đau lòng, uất ẩn, chất chứa dồn nén trong lòng mà bà cùng chồng và các anh chị em cùng làm mang theo.
Vì lỡ đầu thai làm con gái
Bà Y. kể mới tuần trước có hai vợ chồng ngoài 40 tuổi đứng trước cửa nhà con gái bà (cạnh bệnh viện) để chuẩn bị phá thai. Con gái bà can ngăn họ không được nên đã điện thoại cho mẹ. Bà tức tốc đến nơi tìm hiểu nguyên nhân thì biết hai vợ chồng nọ đã có hai đứa con gái, đứa con đang trong bụng cũng là gái, vừa được năm tháng tuổi. Họ đã siêu âm màu ba chiều đến bốn lần vẫn xác định là con gái. Họ chỉ muốn có một đứa con trai, còn con gái thì không cần và không nuôi nữa dù bác sĩ khuyên rằng phá thai lớn lúc năm tháng tuổi là có hại...
Bà Y. bình tĩnh khuyên can, đồng thời xin nuôi người mẹ đến lúc sinh con và nếu vợ chồng kia không nuôi cháu bé, bà xin được nuôi. Mặc dù có chút động lòng sau ba ngày quyết liệt năn nỉ của bà Y. nhưng hai vợ chồng nọ vẫn quyết định bỏ thai và nói: “Cảm ơn lòng tốt của chị nhưng vợ chồng tôi không đủ khả năng và lòng kiên nhẫn nuôi con gái nữa!”. Bà đã khóc rất nhiều sau đó.
Cũng trong một dịp tình cờ, bà gặp một nữ sinh viên đi phá thai. Bà nhẹ nhàng bảo cô sinh viên: “Cô xem con cũng như con cô, nếu cha mẹ con không chấp nhận đứa bé này thì cô sẽ lo cho con. Con hãy xem đây như là lúc bệnh tật và nghỉ ngơi một thời gian rồi đi học trở lại”… Một lần, bà đi Đăk Nông thăm người bà con. Khi xuống xe buýt, đi bộ chừng 2 km, bà thấy hai con chó đang cắn xé giành nhau một vật gì đó, linh tính mách bảo bà vào can thiệp. Bà như muốn té xỉu khi thấy cảnh tượng một đống máu và hai cánh tay em bé. Xua chó đi, bà nhặt hai cánh tay và nâng niu. Vào nhà người dân gần đó, bà xin tấm vải liệm rồi mang đứa trẻ xấu số về gần nhà chôn cất.
Công nhân đang hoàn thiện từng dãy huyệt mộ hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH
Bà nói những câu chuyện tương tự như thế bà đã gặp nhiều, rất nhiều lần kể từ lúc bắt đầu công việc thầm lặng này và người làm công việc như bà phải kiên trì, cứu được cháu nào hay cháu nấy. Với những người biết hối hận và chấp nhận sinh con, bà chu cấp kinh phí ăn ở cho đến ngày sinh. Nếu người sinh con không nuôi được, bà sẽ tìm người nuôi giúp... Tuy nhiên, cũng có người lợi dụng lòng thương của bà sau đó sinh con ra đem bán mất.
Những đứa trẻ không được sống vì sai lầm của người lớn
Bà Y. tâm sự: “Thai nhi cũng là một con người nhưng các cháu bất hạnh vì vĩnh viễn bị tước đi quyền được hít hơi thở cuộc sống. Song bất hạnh hơn, khi bị bỏ đi, các cháu không được chôn cất đàng hoàng mà bị vứt bỏ vào thùng rác, lề đường... cho chó ăn, kiến cắn. Tôi xin mang các cháu về đây là để các cháu có nơi an nghỉ yên bình. Việc làm này là tự nguyện, qua đó cho thấy xã hội ngày nay còn nhiều người quá vô cảm đến mức nhẫn tâm ngay với chính con em mình”.
Ánh mắt bà Y. sáng lên khi nói còn sống ngày nào bà còn tiếp tục đi xin thai nhi về mai táng ngày ấy. Bởi từ việc làm này, các cháu đã cho bà sức khỏe, nghị lực sống và hơn hết là sự thanh thản trong tâm hồn.
Tôi rời nghĩa trang Đông Sơn, sau lưng là gần 10 con người đang hì hục bơm nước, trộn hồ, khuân gạch xây mộ. Những giọt mồ hôi của họ chảy xuống vùng đất đỏ như chuẩn bị ươm lên những mầm xanh cho tương lai. Nghĩa địa không đồng nghĩa với sự chết mà là sự cứu rỗi, sự hồi sinh và là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn phá bỏ những thai nhi vô tội khi cuộc sống đang vẫy chào các cháu. Nghĩa địa cũng không đồng nghĩa là nơi dung dưỡng cho sự phá bỏ những bào thai mà là nơi nuôi dưỡng, đoàn tụ của những tâm hồn trong trắng, tinh khôi. Lời bà Y. hỏi tôi lúc chia tay như còn văng vẳng bên tai: “Tôi hỏi anh đứa con anh chị sinh ra, anh chị có dám lấy dao ra giết không? Vậy mà khi đứa bé còn ở trong lòng, nhiều người nỡ giơ tay ký vào giấy phá thai không cho nó ra đời!...”.
Gần 1.000 ngôi mộ hoàn thành, 100 thai nhi đã được đưa về đây. Theo lời bà Y., chỉ vài ba tháng nữa có lẽ sẽ không còn chỗ chôn cất các cháu… Sự tàn nhẫn của con người vẫn diễn ra mà không có biện pháp can thiệp hữu hiệu nào. “Tôi cầu mong trên thế gian không bao giờ còn cảnh những đứa trẻ bị bỏ rơi, những thai nhi bị phá bỏ. Mọi người hãy nhận ra sai lầm của mình và biết chấp nhận nó, đừng phá bỏ những thai nhi vô tội” - bà Y. nhắn nhủ.
Kỳ 2: Nâng niu mầm sống
Ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng bà Hoàng Thị Lan (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) quy tụ khoảng 15 người thiện nguyện chuyên làm công việc đi xin thai nhi bị bỏ từ các bệnh viện mang về mai táng. Biết được tấm lòng của ông bà, một người dân địa phương đã hiến gần một hecta đất để ông bà thành lập nghĩa địa thai nhi. Bốn năm hoạt động, họ đã đưa hơn 500 cháu về đây. Và cũng từ đây, nhiều đôi trai gái tưởng chừng đổ vỡ đã tái hợp.
Hơn 500 nấm mộ
Vừa đến UBND xã Đức Minh, tôi định nhờ cán bộ xã chỉ giúp đường vào nhà ông bà Lan thì tình cờ được một bà cụ đang chờ làm giấy tờ bắt chuyện. Nghe tôi nói tìm nhà bà Lan, bà cụ mỉm cười và tình nguyện làm tài xế xe ôm miễn phí đưa tôi đến tận nơi cần tìm.
Bà Lan nhìn tôi với vẻ dò xét, bởi trước đây bà đã từng từ chối trả lời một vài nhà báo đến đề nghị viết về vợ chồng bà. Bà nói: “Việc gì tay phải làm thì không nên cho tay trái biết; nếu nói ra, những ý nghĩa của công việc sẽ mất hết”. Tuy nhiên, trước sự chân thành của tôi, cuối cùng vợ chồng bà cũng đồng ý chia sẻ một phần công việc của mình.
Bà Lan dẫn tôi lên căn nhà trên, nơi vẫn còn giữ cái tủ lạnh ướp xác thai nhi và không gian dành cho việc tẩn liệm. Bà nói cách đây ba năm, khi nghĩa địa thai nhi chưa hình thành, vợ chồng bà mang các cháu về đây tẩn liệm rồi mang ra nghĩa địa người lớn chôn nhờ. Những ngày mưa gió không đi được, thai nhi được lưu giữ trong tủ lạnh tránh việc phân hủy.
Dưới trời mưa rả rích, phố núi vắng lặng, ký ức về những thai nhi hiện rõ trên khuôn mặt ông bà. Bà Lan kể năm 2006, một lần đi khám bệnh tại TP.HCM, bà đau lòng khi thấy các em học sinh, sinh viên đến bên bỏ thai thì nhiều, bên giữ thai thì ít. Lân la dò hỏi, một số em thú nhận với bà là do quan hệ qua đường, trẻ người non dạ nên dính thai. Khi đó, nghĩ về việc cứu lấy sự sống, cứu lấy thai nhi chợt hình thành trong đầu bà Lan. Bà về bàn với gia đình và được chồng con hưởng ứng. Cả thảy gia đình hai vợ chồng bà cùng tám người con cùng bắt tay vào làm. Bà bảo việc làm này được nhiều người trong xã, từ chính quyền đến giáo xứ đều hưởng ứng.
Ông Hà Văn Bài, chồng bà Lan, nhớ lại một ngày giữa năm 2009 trời mưa tầm tã, ông nhận được một cuộc điện thoại báo có một thai nhi bị vứt vào hố rác từ đêm qua. Nghe tin, ông tức tốc đến bệnh viện, bới tìm suốt một buổi trong vũng nước ngập và rác hôi thối nhưng không thấy. Đi về được nửa đường, ông quyết định quay trở lại. Thêm 2 giờ vật lộn với rác và nước, cuối cùng ông cũng tìm được thai nhi trong trạng thái bầm tím. “Không biết sao lúc ấy trên đường về, lòng tôi cứ giục phải quay lại tìm chứ không được bỏ cuộc” - ông Bài tâm sự.
5 giờ chiều, đang nói chuyện với tôi, điện thoại bàn nhà ông bà reo, đầu dây bên kia báo vừa có một thai nhi bị bỏ ở bệnh viện. Ông Bài chiêu ngụm nước trà và đứng dậy bảo: “Con ở nhà chờ ông 10 phút”. Lát sau, ông Bài trở về, trên giỏ xe là một bọc nylon màu đen.
Trời mưa rả rích, tôi cùng ông Bài mang thai nhi ra nghĩa địa thai nhi cách nhà hơn 1 km. Khu nghĩa địa rộng chừng 1 ha có cổng, tường rào, nhà mai táng. Đến nơi, ông Bài đặt thai nhi lên bàn rồi mang chiếc quan tài bằng kính (tự làm), diện tích chừng 10 x 30 cm đặt bên cạnh. Một chiếc áo liệm màu trắng được mang ra quàng vào quan tài, thai nhi được đặt vào bên trong, nắp quan tài được đậy lên trên và được trét keo kín kẽ.
Sau 1 phút thinh lặng, anh Cường (người hàng xóm của ông Bài cùng đi theo) mang quan tài ra nghĩa trang. Ngôi mộ được làm sẵn, chiếc quan tài đặt xuống nhanh chóng được lấp cát lại và bên trên được gia cố một tấm bê tông.
Đây là thai nhi thứ 507 được chôn cất tại đây. 507 ngôi mộ ngay ngắn, nhỏ bé. Bên trên mỗi ngôi mộ là một bông hoa xinh xắn. Anh Cường nói, cứ chiều chiều, người dân nhiều nơi về đây thăm viếng nhiều lắm, họ mang hoa, bánh kẹo đến cho các cháu. “Mỗi tuần tôi dành một buổi lên đây chơi với các cháu. Thấy vậy, bà con hàng xóm hỏi tôi lên thăm con hả? Tôi bảo tất cả là con tôi đó!” - ông Bài bộc bạch.
Ông Bài và đồng sự đang lo hậu sự cho một hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH
Sám hối và hàn gắn
Giữa nghĩa trang thai nhi, ông Bài cho biết chính nơi này đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ. Tại đây ông đã chứng kiến ít nhất bốn đôi bạn trẻ đã về sống với nhau nên chồng nên vợ.
Ông kể đầu năm 2010, có một cô gái cứ chiều đến lại xuất hiện ở nghĩa trang thai nhi; cùng lúc ấy có một thanh niên cũng thường đến đây. Sau ba lần gặp nhau, từ lạnh nhạt họ đã nở những nụ cười đầu tiên và cuối cùng… cưới nhau. Hỏi ra ông được biết đôi bạn trẻ vốn học cùng trường, cùng lớp và yêu nhau. Xuất phát từ nguyên nhân gia đình, họ không thể đến được với nhau nên cái thai trong bụng cô gái bị phá bỏ. Biết con mình được chôn nơi đây, họ đã tìm đến ăn năn, sám hối. Tấm lòng của họ cuối cùng cũng được cha mẹ hai bên cảm thông.
Câu chuyện thứ hai xảy ra vào năm 2008, khi bà Lan đi thăm nuôi người nghèo tại bệnh viện gặp một cô gái đi phá thai. Tình cảnh cô gái thật tội nghiệp: Cô gái mắc bệnh quáng gà, khờ khạo và không có khả năng nuôi con. Bà Lan đã can ngăn, khuyên bảo và đưa cô xuống Sài Gòn nuôi đến ngày sinh nở rồi lại đưa cô trở về Đăk Mil. Một ngày, anh con trai làm cho cô gái mang bầu đã quay lại xin cưới và nuôi con.
Bà Lan xót xa: “Đau lòng nhất là những cán bộ công chức lỡ mang thai đứa con thứ ba. Vì cuộc sống, họ đành ngậm ngùi bỏ đi đứa con của mình. Cũng có không ít gia đình gia giáo bắt con gái phá thai vì con trót lỡ lầm. Họ không muốn vứt bỏ thai nhi nhưng nếu mang đi chôn cất thì bẽ mặt với thiên hạ nên đã gọi điện thoại kín đáo mời chúng tôi đến “cho” về chôn…”.
“Mỗi khi người ta bắt con của một con vật nào đó nó sẽ cào cắn, còn con người ta cứ phá bỏ cái thai cho bõ ghét kẻ đáng tội (bố thai nhi). Ở đây có hơn 500 thai nhi nhưng chỉ có khoảng 10 người đi tìm lại núm ruột của mình và khóc lóc, hối hận vì việc đã làm; còn đa số một đi không trở lại. Tôi hy vọng lớp trẻ hãy sống chín chắn hơn…” - bà Lan tâm sự.
Tôi hiến đất vì cảm kích tấm lòng của họ
Những đứa trẻ bị chối bỏ đã có một cõi về ấm áp. Ảnh: DUY TÍNH
Năm 2007, khi lên nghĩa trang thăm ba mẹ, tôi gặp ông Bài đi chôn các cháu. Ông thổ lộ rằng rất cần đất để làm nghĩa trang riêng cho các cháu. Hành động này rất đáng trân trọng vì ông Bài không hề làm vì lợi lộc mà đó là tấm lòng của ông đối với các thai nhi. Thấy đây là việc làm tốt, là mối quan tâm của cộng đồng nên tôi hiến miếng đất. Đây là hiến cho các cháu có chỗ yên nghỉ đàng hoàng chứ không hiến cho riêng ai.
Kỳ cuối: Hãy tha thứ cho cha mẹ
Tại nghĩa trang đồng nhi TP Pleiku (Gia Lai), phần lớn các nấm mồ hài nhi đều mang tên “vô danh”. Tuy nhiên, giấc ngủ vĩnh hằng của chúng vẫn được nâng niu bởi những ân nhân thầm lặng đã lập mộ và chăm sóc mộ phần các cháu. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách hành hương đến thăm và hương khói. Những sinh linh bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ vẫn nhận được tình yêu thương từ những người xa lạ.
Người chôn cất 5.000 thai nhi
Người làm công việc mai táng 5.000 thai nhi ở nghĩa trang này hơn 10 năm qua là anh Nguyễn Phước Phụng. Trong ngần ấy thời gian, anh đã bế trên tay hơn 5.000 thai nhi từ các bệnh viện, nhà hộ sinh về đây chôn cất mà không hề rõ bố mẹ các cháu là ai.
Anh Phụng nguyên là người xây mộ, chăm sóc mồ mả kiếm sống qua ngày. Nhưng dần dà chứng kiến nhiều thai nhi bị bỏ bên nghĩa địa, anh tự nguyện nhận luôn việc mai táng thai nhi. 10 năm trước, mỗi ngày anh mang về đây 7-8 cháu, có ngày đến... 20 cháu. Với tình yêu thương trẻ con, anh không nề hà, hễ được báo có thai nhi bị vứt bỏ đây đó là anh liền tìm đến mang về lo hậu sự. Trong số hơn 5.000 trẻ được anh đưa về đây có cháu chỉ còn là bộ xương, có cháu còn một nửa thân thể, cũng có cháu khô quắt... trông thật xót xa.
Gắn liền với nghĩa trang đồng nhi còn có cụ Lê Thị Tâm tự nguyện đến phục vụ tại đây từ năm 2007. Cụ Tâm thường được gọi trìu mến là “bà nội”, còn anh Phụng được mọi người xem như người cha của các cháu. “Nhà tôi ở gần nghĩa địa. Ngày ngày tôi thấy khách hành hương lên đây nhổ cỏ, quét dọn rồi về. Tôi nghĩ sao mình ở gần mà không làm được như thế...” - cụ Tâm từ tốn nói.
Từ đó, sáng sớm cụ lên nghĩa trang, chiều tối quay về. Ngày ngày cụ bận bịu với việc lo nhang đèn, dọn dẹp bàn thờ chung cho các cháu. Xong xuôi cụ ra quét mộ, nhổ cỏ... “Từ ngày lên đây phục vụ các cháu, tôi thấy mình khỏe lên hẳn” - cụ Tâm cười móm mém. Cụ Tâm thường thủ thỉ với các cháu: “Cha mẹ quá sai rồi nhưng các cháu hãy tha thứ nhé! Phá bỏ con mình, cha mẹ các cháu cũng khổ tâm, ân hận lắm!”.
Hôm trước có cặp vợ chồng trẻ từng phá thai hai lần đã đến đây. Họ quỳ lạy từ ngoài ngõ rồi đến bàn thờ thắp nhang cho các cháu. Họ khóc lóc van xin con tha thứ. Họ cho biết đã vứt con ở bệnh viện và nghe nói con mình được đưa về đây an táng nên tìm đến. Tuy nhiên, không ai có thể nhớ con của họ được chôn chỗ nào cũng như dấu hiệu nhận dạng để giúp đỡ.
Những con số bàng hoàng
Người sáng lập ra nghĩa trang đồng nhi là linh mục Nguyễn Văn Đông ở TP Pleiku. Năm 1992, ông bắt đầu đến các bệnh viện nhận về và mang các cháu ra nghĩa địa Pleiku xin chôn tại vùng đất dành cho những người không có thân nhân. Sau đó, các chùa cũng hợp tác với nhau cùng làm trên tinh thần nhân đạo. Đến nay, nghĩa trang đã là nơi yên nghỉ của khoảng 13.000 thai nhi. Hiện linh mục Đông đã xây dựng được 15 nghĩa trang đồng nhi khác và chôn nhờ thai nhi tại vài chục nghĩa trang người lớn. Con số thai nhi bị phá bỏ được đưa về chôn chất tại các nghĩa trang này chắc hẳn khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi bàng hoàng.
Bên cạnh linh mục Đông là ông Sáu. Người đàn ông 55 tuổi này kể mình bắt đầu việc tìm kiếm, hỗ trợ mai táng thai nhi từ năm 2002. “Năm đó, mẹ tôi mất nên gia đình mai táng tại nghĩa trang Pleiku. Khi xây mộ cho mẹ, tôi thấy có mấy người mang một thai nhi lên chôn, hỏi ra mới biết cháu bị vứt ngoài chợ và người ta nhặt được. Thế là tôi xây luôn cho cháu một ngôi mộ. Nhưng cũng từ đó, hằng ngày lên thắp hương cho mẹ, tôi đều bắt gặp những bao nylon vứt đâu đó hoặc chôn vội còn lấp ló, khi mở ra thì đó là những thai nhi đã chết. Tôi cảm thấy bứt rứt và tự hỏi nếu đây là con mình thì mình có bỏ được không? Vậy là tôi bắt đầu đến các bệnh viện xin thai nhi và để lại số điện thoại liên hệ. Hỗ trợ trực tiếp cho tôi còn có anh Phụng, bà Tâm...” - ông Sáu chậm rãi kể về cái duyên đưa ông đến với công việc gắn với cuộc đời ông gần chục năm nay.
Cụ Tâm ngày ngày lo quét dọn cho những ngôi mộ hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH
Qua một số người, tôi biết thêm mỗi ngày ông Sáu chỉ xài 15.000 đồng, bữa sáng chỉ một gói mì tôm, một gói cà phê bột. “Xài tiền cho mình tôi rất tiếc nhưng tiền cho các cháu, cho người đau yếu, bệnh tật đang cần thì bao nhiêu tôi cũng không tiếc” - ông Sáu nói.
Hiện linh mục Đông đang cho làm những nơi chăm sóc người lầm lỡ để họ mẹ tròn con vuông, còn ông Sáu đã xin được 1.000 m2 đất gần nghĩa trang đồng nhi Pleiku để xây một nghĩa trang đồng nhi mới rộng rãi hơn. Tâm nguyện của ông Sáu vào những ngày cuối đời là lập một nơi nuôi dưỡng người già, giúp họ có chốn tịnh dưỡng tuổi xế chiều.
Những ngôi mộ vô danh
Tấm biển ngay đầu nghĩa trang với những dòng chữ như một lời khẩn cầu tha thiết: “Xin đừng vất bỏ vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ!”.
Hàng loạt ngôi mộ với tên chung “Vô Danh”, đủ làm nhói lòng cả những ai cứng rắn: Nguyễn Thị Vô Danh, Dương Vô Danh, Võ Vô Danh... Bên cạnh đó còn có cháu mang tên Trung Thu vì được mang về vào ngày Trung Thu, có cháu tên Giáng Sinh vì chào đời (đúng hơn là vĩnh biệt cõi đời) vào đêm Giáng sinh... và cũng có ngôi mộ chẳng có dòng chữ nào. Những người giữ mộ nói rằng tên Vô Danh của các cháu là do cha mẹ “nuôi” đặt cho. Hễ ai đến đây xin xây mộ đều có quyền đặt tên cho các cháu, đều có quyền xây mộ theo ý họ. Do đó, hàng ngàn ngôi mộ nằm đây cái to, cái nhỏ, mỗi cái một kiểu, mỗi màu khác nhau.
Bên cạnh những ngôi mộ được xây cất đàng hoàng cũng có những thai nhi vừa được mang về chưa có mạnh thường quân đến hỗ trợ. Khó ai cầm lòng trước cảnh năm, ba cháu nằm trên một mỏm đất nhỏ xíu, bên cạnh còn chiếc thùng giấy - nơi chứa các cháu khi vừa bị phá bỏ. Mỗi ngôi mộ được phân biệt bằng một cây nhang hay một cái que. Những người giữ mộ cho hay sự lộn xộn, to nhỏ của các ngôi mộ cũng là do không có đất nên có chỗ nào trống là để các cháu vào, sau đó tìm chỗ rộng rãi hơn mai táng lại.
Ở nghĩa trang này, hằng ngày khách thập phương đến thắp nhang, xin đỡ đầu xây mộ rất nhiều, trong đó không ít người là cha mẹ các cháu. Họ đến trong sự ăn năn, hối lỗi và chỉ cầu mong con cái tha thứ để thanh thản mà sống tiếp.
Và ở nhiều nơi khác, những nghĩa trang đồng nhi cùng những ân nhân thầm lặng vẫn luôn là gia đình chung bình yên của những đứa trẻ bị ruồng bỏ. Nhìn hàng ngàn nấm mộ mọc lên lớp lớp ngày càng nhiều, anh Phụng tâm sự: “Còn sống ngày nào tôi ráng giúp các cháu ngày đó chứ không hề nghĩ đến việc kiếm tiền hay cứu khổ cứu nạn. Qua công việc này, tôi mong nếu ai đó lỡ có thai ngoài ý muốn thì hãy để đứa trẻ được chào đời, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà tước đoạt quyền được sống của con mình”.
Anh HÀ HUY CƯỜNG, thôn Bình Thuận, xã Đức Minh,Đăk Mil (Đăk Nông

Không có nhận xét nào: