Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Bảo vệ sự sống là một sứ mệnh thánh thiêng

Cách đây gần một thế kỷ, Gilbert Keith Chesterton (1874-1936), văn hào người Anh, đã thẳng thắn sòng phẳng với những người chủ trương duy vật bằng những lời: «Kẻ điên khùng không phải là kẻ đã đánh mất lý trí. Kẻ điên khùng là kẻ đã đánh mất tất cả, ngoại trừ lý trí của mình!» Bởi vì, vào thời đó người ta nghĩ rằng tất cả mọi sự, kể cả linh hồn con người, phải chấp hành cách mù quáng theo định mệnh của vật chất, tương tự như những chiếc lá nơi một thân cây: thụ động phát triển theo định luật tự nhiên, chứ không hề có một chút ý thức nào. Vâng, chỉ có vật chất - dù là do thiên nhiên hay do con người tạo ra -, thí dụ như củ cà-rốt, các máy móc, các Microchips hay con người; và chỉ quan trọng và đáng kể, khi người ta tạo ra từ những vật thể đó được những sản phẩm mong muốn; thí dụ : từ củ cà-rốt tạo ra được món sa-lát hay nước uống sinh tố; từ Microchips tạo ra được máy Vi-tính; từ con người tạo ra được những bộ máy sản xuất thực dụng hay những nhà nghệ sĩ với những công trình nghệ thuận trường tồn, hay cả đến việc tạo ra được những con người mới qua việc sử dụng các tế bào sống.

Thai nhi 6 tuần đang phát triển
Bởi vậy, mỗi khi đả động đến đạo đức sinh học (Bioéthique) hay việc tuyệt đối phải bảo vệ sự sống con người, người ta liền vội vàng kết án một cách chủ quan, đầy thiên kiến và một chiều : Nào là chủ nghĩa chính thống quá khích hay bảo thủ khắt khe nặc mùi Công Giáo, nào là đi ngược lại tinh thần khoan dung, tự do và tiến bộ của con người ngày nay. Và ai dám can đảm nhận mình là chính thống quá khích một cách giáo điều?
Nhưng trên thực tế, những ý tưởng nền tảng chính thống của tư duy của con người cần phải được áp dụng vào sự hiểu biết thực tiễn hằng ngày, trước khi chúng được đưa ra hiện thực trong cụ thể. Trước hết, tôn giáo và chính trị tạo nên hai lãnh vực và hai phạm vi trách nhiệm khác nhau. Nhưng chính qua đó, chủ thuyết thực dụng và những sự thiếu cân nhắc thường chi phối phạm vi chính trị. Lý trí luôn phải nỗ lực tìm ta những điểm dung hòa, vì nó phải thiết đặt và bảo vệ được nền tảng của các mức thang giá trị.
Một cách hết sức rõ rệt, cuộc tranh luận về đạo đức sinh học đã cho chúng ta thấy ngay là con người sẽ đi về đâu, nếu con người đánh mất tất cả, chỉ ngoài lý trí của mình ra. Nhất là, nếu nguyên tắc tư duy hoàn toàn bị sai lầm và con người sử dụng lý trí một cách vô nguyên tắc. Bấy giờ người ta sẽ chỉ đi tìm hiểu nơi sinh vật học, nơi hóa học, nơi y học và nơi di truyền: con người là gì? Từ khi nào con người mới thực sự là một con người? Phải chăng con người có một nhân phẩm tuyệt đối? v.v…!
Nhưng khi người ta làm điều đó, thì cũng giống như khi người ta đi hỏi han chủ tiệm bán giày dép về kích thước lý tưởng của các loại mũ hay đi hỏi ý kiến một bác nông dân về cách thức chế biến các thứ dược phẩm, v.v…; nghĩa là một việc làm hoàn toàn lầm lẫn và sai chủ đề.

Nếu để ý, người ta sẽ đọc thấy ngay trong chương đầu bộ luật hình sự của hầu như mọi quốc gia, đều ghi rõ ràng: Nhân phẩm con người là một điều bất khả xâm phạm. Đó cũng là một vũ trụ-nhân sinh quan đã được đề cập tới trong thời cổ Roma và trong thời phục hưng vào cuối thế kỷ XV, triết gia Giovanni Pico della Mirandola (1463-1494), người Ý, đã công khai đặt làm trọng tâm cho mọi suy tư Kitô giáo của ông. Đúng vậy, nhân phẩm của mỗi người là một điều mang tính cách tuyệt đối chứ không hề bị giới hạn bởi bất cứ lý do ngoại cảnh nào, bởi vì con người được chính Thiên Chúa dựng nên trong sự quan tâm và trong tình yêu thương đặc biệt của Người, đến nỗi Người đã cho con người mang trên mình hình ảnh của mình (x. St 1,26-28).

Con người sở hữu một phẩm giá tuyệt đối
Đối với con người - xét như một thực thể hữu hạn, nhưng lại sở hữu một tinh thần vươn tới vô hạn – thì giả thuyết tuyệt đối đó không nhất thiết cần thiết, vì như văn hào người Nga Fjodor M. Dostojewski (1821-1881) có lần đã phân tích rõ ràng: Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì tất cả mọi sự đều được phép; hay về sau Antoine De Saint-Exupéry (1900-1944) cũng đã phát biểu một cách tương tự: «Nếu trên đầu anh không còn gì khác nữa, thì anh đã chẳng có gì cả, ngoài chính mình anh. Vậy, từ một tấm gương trống rỗng anh đã nhận được gì?»; hay còn lâu về sau một chút, nhà triết học người Đức Max Horkheimer (1895-1973) cũng đã cảnh cáo những hành động tàn bạo của chế độc tài Đức Quốc Xã: «Cả là một điều phi lý, khi người ta muốn tìm kiếm một ý nghĩa tuyệt đối, mà lại phủ nhận Thiên Chúa!»
Từ những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ sự sống của mỗi người, quan điểm đạo đức sinh học Kitô giáo chủ trương: Con người - khi được thụ thai bởi chính huyết nhục con người và được sinh ra bởi con người – thì hoàn toàn thuộc về chủng loại con người, và như thế chiếm hữu một nhân phẩm tuyệt đối kể từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Và nhân phẩm đó hoàn toàn bất khả xâm phạm. Còn tất cả những quan điểm khác đi ngược lại nguyên tắc cơ bản đó đều chủ quan, một chiều và hoàn toàn nghịch lý.
Vâng, sự sống của mỗi người xét như là một nhân vị, thực sự được bắt đầu khi diễn tiến sự liên hợp giữa trứng và tế bào tinh trùng, tức diễn tiến thụ thai, kết thúc. Và kể tử giây phút đó, sự sống của một con người thực sự bắt đầu phát triển. Mầm sống đó không chỉ sẽ trở thành một con người, những đã là một con người, và nó sẽ phát triển thành một tư cách pháp nhân; nghĩa là trở thành một con người thực sự với tất cả mọi quyền lợi, như quyền được sống và được sống với đầy đủ nhân phẩm của mình. Dĩ nhiên, xét về phương diện sinh vật học thuần túy, sự sống vừa mới bắt đầu được thành hình đó còn đang trên đường phát triển, nên còn có những thay đổi về nhiều lãnh vực, nhưng mọi can thiệp có tính cách xúc phạm hay quyết định trên sự sống đó, tuyệt đối bị cấm ngặt.
Định lý cơ bản đó hoàn toàn vượt trên mọi ý thức hệ và trên mọi đo lường của kỹ thuật khoa học, bởi vì con người mang trên mình những giá trị tinh thần thượng đẳng siêu việt, chứ không chỉ được coi như một phần của vật chất hay như vi tử truyền sinh qui ngã.

Tiếp nhận viễn tượng của Thiên Chúa

Trong một trong những lá thư cuối cùng, mà Antoine De Saint-Exupéry đã viết trước khi bị tử nạn máy bay, người ta đọc thấy được những dòng này: «Người ta không thể tiếp tục sống mãi bởi các tủ lạnh, bởi chính trị, bởi những bản thống kê và bởi ngồi giải mấy ô chữ số. Nói tắt, là người ta không thể tiếp tục như thế mãi được nữa.»
Trong thực tế, con người vừa sống về thể lý vừa sống về mặt siêu hình học hay tâm linh. Điều đó có nghĩa là mỗi người có thể tin cậy vào khoa học tự nhiên và cho rằng những thành quả do máy Computer đưa lại là đúng hay chiếc phanh của xe hơi tôi đang lái là bảo đảm chắc chắn. Còn nếu trường hợp bị trục trặc, sẽ được sửa lại. Và đó là những điều thuộc lãnh vực vật lý của các máy móc.
Nhưng ngoài lãnh vực vật lý ra, mỗi người còn có thể tin cậy một cách tương tự vào tình yêu, vào sự khả tín của người khác, vào sự bảo trợ và sự giúp đỡ, vào sự trung tín và và sự tha thứ. Vâng, ở đây không còn vấn đề e dè tìm hiểu cách bàng quang, nhưng là thực sự kêu cầu, được lãnh nhận và cám ơn.
Đúng vậy, chúng ta cần đến những ý tưởng vật lý cho các sự vật, nhưng đối với con người, chúng ta lại cần đến những ý tưởng siêu hình học về nhân phẩm bất khả xúc phạm; nếu không, sự sống con người sẽ bị hạ thấp xuống chỉ còn là một cuộc đu bay với sự sống còn, chứ không còn mang trong mình chiều sâu và ý nghĩa cuối cùng của nó.
Và nhân phẩm của mỗi người không hề bị loại bỏ hay bị đưa ra mỏ xẻ và đánh giá hơn kém bởi những người khác. Trên sự sống và sự chết của mỗi người, chỉ một Thiên Chúa Tạo Hóa là Đấng duy nhất nắm trọn quyền quyết định, và quyền quyết định đó Người không hề san sẻ cho ai khác. Còn đối với con người, sự sống của mỗi người là một cái chi thánh thiêng, mà họ chỉ có sứ mệnh phải bảo vệ. Và sứ mệnh bảo vệ sự sống con người là một điều thánh thiêng, như chính sự sống con người là một điều thánh thiêng vậy.
Đến đây chúng ta có thể tóm tắt tư tưởng của giáo sư Peter Schallenberg như sau: Về sự sống của chính mình cũng như sự sống của những người đồng loại, bất cứ giá nào người ta có thể và cần phải có những suy tư rộng rãi và lý tưởng; nói cách khác, người ta cần phải nhìn con người bằng viễn tượng của Thiên Chúa. Đó chính là sự đóng góp đích thực và bất khả thay thế của Kitô giáo vào đạo đức sinh học. Không một ai được phép chuẩn chước cho mình điều đó, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đó cũng là một điều vượt khỏi mọi khả năng chứng minh của toán học, nhưng lại là một điều toàn toàn rất khả chấp nhận.
Lm Nguyễn Hữu Thy

Không có nhận xét nào: